Trị vì Tây Lương Hiếu Tĩnh đế

Năm 585, Tiêu Tông phái bộ tướng Thích Hân (戚昕) đi đánh thành Công An (公安, nay thuộc Kinh Châu, Hồ Bắc) của Trần, song Thích Hân đã không thể chiếm được Công An và buộc phải triệt thoái.

Cũng trong năm 585, Tùy Văn Đế hay tin hoàng thúc của Tiêu Tông là Ngô quận vương Tiêu Sầm (蕭岑) lợi dụng địa vị của mình và trở nên khó kiểm soát, Tùy Văn Đế đã cho triệu Tiêu Sầm đến Đại Hưng thành rồi giam giữ, song phong cho Tiêu Sầm tước Hoài Nghĩa quận công. Sau đó, Tùy Văn Đế tái lập chức vụ Giang Lăng tổng quản (đô thành của Tây Lương) và đưa quân đến đồn trú tại Giang Lăng, tái khẳng định sự kiểm soát thực tế đối với Tây Lương. Tướng Hứa Thế Vũ (許世武) của Tiêu Tông sau đó đã bí mật đề nghị quy phục tướng Trần là Nghi Hoàng huyện hầu Trần Huệ Kỉ (陳慧紀), song Tiêu Tông đã phát giác âm mưu của Hứa Thế Vũ và cho hành quyết người này.

Năm 587, Tùy Văn Đế triệu Tiêu Tông đến Đại Hưng thành thỉnh an. Tĩnh Đế đã dẫn theo một đoàn gồm khoảng 200 quan lại, song khi ông khởi hành từ Giang Lăng, người dân Giang Lăng đã than khóc thảm thiết do họ tin rằng ông sẽ bị giam giữ và không thể trở về. Tùy Văn Đế tuyên bố rằng ông ta lo ngại cho sự an toàn của Giang Lăng trong khi không có sự hiện diện của Tĩnh Đế, vì thế đã phái bộ tướng là Vũ Hương quận công Thôi Hoằng Độ (崔弘度) đến Giang Lăng. Khi Thôi Hoằng Độ đến gần Nhược châu (鄀州, nay tương ứng với Nghi Xương, Hồ Bắc), chú ruột và em trai Tiêu Tông là Tiêu Nham và Tiêu Hoàn nghi ngờ rằng Thôi Hoằng Độ sẽ tấn công nên đã phái Thẩm Quân Công (沈君公)- là họ hàng của hoàng hậu Thẩm Vụ Hoa của Trần Hậu Chủ- đến chỗ Trần Huệ Kỉ đề nghị đầu hàng. Trần Huệ Kỉ nhanh chóng tiến đến Giang Lăng, Tiêu Nham và Tiêu Hoàn dẫn người dân Giang Lăng rời bỏ thành và chạy vào lãnh thổ của Trần.

Khi Tùy Văn Đế biết tin, ông ta hạ thánh chỉ bãi bỏ Tây Lương. Tùy Văn Đế phái tướng Cao Quýnh (高熲) đến Giang Lăng để bình định những người dân vẫn còn ở lại và bố trí lính canh giữ lăng mộ của Minh Đế và Tuyên Đế. Tiêu Tông được triều tùy phương tước Cử quốc công.